Trang chủ GIới thiệu sách

Giới thiệu sách: “Võ Quảng – Một đời thơ văn”

07/01/2024 2270

 

Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đâu là thanh nam châm thu hút mọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao? Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Cũng như với nhiều tác giả nổi tiếng đương thời, những giá trị to lớn và đẹp đẽ đó đã được hình thành rất rõ nét và thăng hoa cùng ngòi bút của nhà thơ, nhà văn Võ Quảng trong suốt cuộc đời sáng tác của ông. Và điều đó được thể hiện qua tác phẩm “Võ Quảng – một đời thơ văn”

Nhà văn Võ Quảng sinh năm 1920, ở thôn Thượng Phước (nay thuộc xã Đại Hòa), huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống khoa cử. Võ Quảng được học hành bài bản ngay từ nhỏ. Năm 17 tuổi, ông thi đỗ vào trường Quốc học Huế, và cũng từ năm này, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông từng bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, quản thúc. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Đà Nẵng, Phó Chánh án Tòa án quân sự miền Nam Việt Nam.

Về sau, ông gần như dành cả cuộc đời mình cho hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là cho văn học thiếu nhi. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn học của mình từ tập thơ Gà mái hoa được xuất bản năm 1957. Thơ Võ Quảng chuyên viết cho lứa tuổi nhi đồng. Những bài thơ của ông bao giờ cũng xinh xắn, nhẹ nhàng truyền đến cho các em lòng thương yêu thế giới cỏ cây, loài vật để từ đó hướng tới mục tiêu lớn hơn đó là yêu điều thiện, yêu cái đẹp trong cuộc sống. Ngoài sáng tác thơ, ông viết văn, viết kịch bản phim hoạt hình, viết lý luận về văn học thiếu nhi. Ông đã từng là Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, Giám đốc xưởng phim hoạt hình, là thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Nói tới Võ Quảng là người ta hay nhắc đến Nhà văn của Thiếu nhi. Đặc biệt là hai tác phẩm: Quê nội và Tảng sáng.

Cuốn sách “Võ Quảng – Một đời thơ văn” là tuyển tập thơ văn, phê bình, chân dung giúp độc giả hình dung được toàn bộ văn nghiệp, cuộc đời của nhà văn Võ Quảng.

Phần thứ nhất: Một đời thơ văn. Đây là phần chính của cuốn sách, tuyển chọn những tác phẩm thơ văn tiêu biểu nhất của Võ Quảng: Từ mảng thơ với những bài thơ viết cho thiếu nhi làm nên tên tuổi Võ Quảng như Gà Mái Hoa, Anh Đom Đóm, Ai dậy sớm, Mời vào,... đến mảng VĂN XUÔI với truyện ngắn đầu tay Cái lỗ cửa, truyện vừa Cái thăng, Chỗ cây đa làng (viết về thiếu nhi tham gia kháng chiến chống Pháp), tiểu thuyết Kinh tuyến và vĩ tuyến, những truyện cổ tích kể lại Chuyện kể ở Đầm Vạc (truyền thuyết thời Hùng Vương). Mỗi bài thơ khắc họa một chân dung sinh động về những con vật bé nhỏ. Đó là cô gà mái hoa lần đầu tiên tìm ổ, cô tự nhiên đổi nết, rối ra rối rít: Cái đầu nó nghếch nghếch/ Cái cổ nó thon thót/ Nó kêu: tót, tót, tót!. Ở tập thơ Gà mái hoa, bạn đọc nhỏ tuổi còn gặp niềm vui của bạn bè “Mái hoa” như vịt, ngỗng, gà trống cùng chia sẻ khi cô ta đẻ một quả trứng hồng. Ông có hai truyện vừa: Cái Thăng và Chỗ cây đa làng, viết về thiếu nhi tham gia kháng chiến chống Pháp.

Phần thứ hai: Những bài viết về văn học thiếu nhi của nhà văn Võ Quảng. Trên cương vị là Tổng biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng, là một tác giả viết cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng đã có những bài viết tổng kết, định hướng, chia sẻ quan điểm về phương pháp sáng tác cho thiếu nhi. Những đánh giá của ông về vai trò của văn học thiếu nhi đối với sự phát triển tâm hồn, tính cách của trẻ em từ gần nửa thế kỉ trước tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Là một trong số ít các nhà văn dành trọn vẹn tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng ý thức rất rõ tầm quan trọng của văn chương trong việc giáo dục thẩm mỹ, nhân cách cho trẻ em. Ông đã dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của trẻ em; tìm hiểu những quan điểm, phương pháp sáng tác của các nhà văn lớn trên thế giới viết cho thiếu nhi. Coi viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống, nhà văn Võ Quảng từng nêu ra quan niệm rất rõ ràng: “Văn học cho thiếu nhi có một nhiệm vụ chính yếu, đó là giáo dục các em trở thành người tốt. Văn học thiếu nhi phải “tải đạo”. Nhưng tuyệt nhiên ở đây không phải là những lời giáo huấn giá lạnh, khô khan hoặc ngược lại không phải là những chuyện bạo lực, giật gân để làm cho thiếu nhi bị thu hút. Văn học thiếu nhi được gọi là hay, là tốt thường có bên trong một sức mạnh. Đó là sức mạnh của cái đẹp, của văn chương nghệ thuật. Sức mạnh để đánh thức trong các em tình cảm và ý nghĩa tốt đẹp, làm cho các em biết tôn trọng, yêu thương, thấy những nghĩa vụ cần làm, sống có tinh thần nhân ái, biết sống một cách tốt đẹp”. Bên cạnh đó, nhà văn Võ Quảng cũng cho rằng, một tác phẩm viết cho các em có giá trị cao khi nào cũng phản ánh được sinh động thực tế cuộc sống, tâm hồn của các em và khi nào cũng phải viết đúng đối tượng. Muốn viết tốt cho các em phải có vốn sống về các em, phải am hiểu các môn tâm lí, sinh lí trẻ thơ. 

Phần thứ ba:Võ Quảng - Con người và tác phẩm.Tuyển chọn những bài viết về con người, những bài bình giá sắc sảo, công tâm của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học (Nguyễn Tuân, Trần Thanh Địch, Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Vũ Tú Nam, Hà Ân, Ngô Quân Miện, Phong Lê, Lê Phương Liên...) về tác phẩm của ông. Trong đó, có cả những bài viết các nhà văn của Nga, của Pháp khi đọc và dịch tác phẩm của Võ Quảng để giúp độc giả có thêm nhiều góc nhìn về văn nghiệp của nhà văn Võ Quảng.

Nói đến cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn là nói đến một loại thước đo nghệ thuật. Bất cứ nhà văn nào muốn khẳng định sự hiện diện tồn tại của mình trong đời sống văn học phải tạo cho mình một phong cách riêng với cá tính sáng tạo riêng vì đây là một chuẩn giá trị trong sáng tạo nghệ thuật để “xác định nhà văn này khác với nhà văn kia”. Và nhà văn Võ Quảng với các tác phẩm thơ, các tác phẩm văn xuôi đã ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng người đọc, đặc biệt là các độc giả thiếu nhi bởi cái tôi nghệ thuật độc đáo không nhầm lẫn với bất cứ tác giả nào. Đó cũng chính là thành công nổi bật trong sự nghiệp văn chương của ông.

 

Nguyễn An Khanh (Lớp 7A1)
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5131 trong 1031 đánh giá
Chia sẻ: